
TNGT tăng cao ở đồng bào dân tộc thiểu số
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Gia Lai, từ năm 2018 đến tháng 6/2020, toàn tỉnh xảy ra 939 vụ TNGT, làm chết 603 người, bị thương 938 người.
Qua theo dõi, thống kê, phân tích các vụ TNGT hàng năm cho thấy: Tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh Gia Lai luôn diễn biến phức tạp, số vụ TNGT ở mức cao, có những thời điểm gia tăng đột biến, khó kiểm soát. Tai nạn xảy ra ở tất cả các tuyến đường, trong đó, trên các tuyến quốc lộ chiếm đa số; phương tiên gây tai nạn chủ yếu vẫn là xe mô tô; tuy nhiên có một số thời điểm tai nạn liên quan đến xe công nông diễn biến phức tạp; thời gian thường xảy ra tai nạn là từ sau 17h đến 22h...
Theo công an tỉnh Gia Lai, TNGT tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Công an tỉnh này viện dẫn, năm 2018 chiếm 41,16%; năm 2019 chiếm 44,41% và 6 tháng đầu năm 2020 chiếm 47,31%). Theo đó, số vụ TNGT do lứa tuổi thanh thiếu niên luôn ở mức cao. Đơn cử như: năm 2018 chiếm 55,93%, năm 2019 chiếm 53,15.
Phân tích số liệu TNGT, ông Phan Hữu Hiếu, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, đối với năm 2019, tai nạn liên quan đến xe mô tô, xe gắn máy mà người trực tiếp gây tai nạn là thanh thiếu niên trong toàn tỉnh là 161 vụ (chiếm 42,82% số vụ), làm chết 108 người (chiếm 45,96%), bị thương 175 người (chiếm 47,04%). Trong đó, dưới 18 tuổi: 47 vụ. Còn đối với TNGT liên quan đến đồng bào DTTS xảy ra 158 vụ (chiếm 42,02% số vụ), làm chết 99 người (chiếm 42,13%), bị thương 141 người (chiếm 37,90%).
9 tháng đầu năm 2020, tại Gia Lai xảy ra 104 vụ TNGT liên quan đến người đồng bào DTTS chiếm 46,43% số vụ toàn tỉnh, làm chết 76 người (chiếm 48,10%), bị thương 82 người (chiếm 40,0%).
Số liệu người trực tiếp gây tai nạn là thanh thiếu niên trong toàn tỉnh này xảy ra 109 vụ (chiếm 48,66% số vụ toàn tỉnh), làm chết 78 người (chiếm 49,37%), bị thương 105 người (chiếm 51,22%). Trong đó, dưới 18 tuổi: 31 vụ; từ 18 đến 30 tuổi: 78 vụ.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Văn Hạnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT, Phó Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết, ý thức chấp hành pháp luật một bộ phận người đồng bào DTTS ở vùng sâu vùng xa nên nhận thức không cao. Ở nơi này lại ít có lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra kiểm soát nên khó quản lý được người dân đi lại.
Một vấn đề nữa là chất lượng của phương tiện của người dân đồng bào DTTS sử dụng rất kém. Xe không đèn, không phanh, không gương chiếu hậu, không còi… người dân còn độ chế xe để phù hợp với vận chuyển nông sản, đi lại đường rừng núi. Và đây cũng là nguy cơ rất lớn dẫn đến tai nạn.
Một vấn đề đáng lưu tâm hơn, ở người đồng bào DTTS, lớp trẻ có nhiều người nghỉ học sớm. Các thanh thiếu niên này ở nhà làm rẫy phụ giúp gia đình rồi tụ tập uống rượu bia, ở độ tuổi này lại thích sử dụng xe phân khối lớn.
Việc lớp trẻ thích sử dụng phân khối lớn là do đua đòi để được bằng bạn bằng bè. Mà phụ huynh lại rất chiều chuộng con cái. Vì thế nên nhiều gia đình dù nhà chẳng có gì nhưng vẫn bán đất, bán rẫy để mua chiếc xe theo ý của con. Và khi có xe rồi, thanh thiếu niên này lại bắt đầu tụ tập, uống rượu, thậm chí còn tổ chức đua xe để thể hiện bản lĩnh”, ông Hạnh nói và cho biết đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tỉ lệ TNGT tăng cao liên quan đến đối tượng thanh thiếu niên người đồng bào dân tộc thiểu số.
Làm sao để kìm chế?
Ông Lê Văn Hạnh, vấn đề TNGT ở đồng bào DTTS không chỉ riêng ở Gia Lai mà ở nhiều tỉnh khác cũng có tình trạng tương tự. Trước thực trạng này, Ban ATGT tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo ngành chức năng sớm vào cuộc. Việc tham mưu cho lãnh đạo địa phương chỉ đạo được triển khai rốt ráo.
Có nhiều mô hình hiệu quả được áp dụng trong lòng đồng bào DTTS như việc Công an huyện Mang Yang triển khai hoạt động “dẹp thanh niên phá làng phá xóm”. Theo đó, công an huyện này đã triển khai lập danh sách thanh thiếu niên hư hỏng để “trị”.
Nói là để trị chứ thực tế là lực lượng chức năng mời người có uy tín trong cộng đồng và cán bộ địa phương vào tận nhà để “răn”. Răn từ điều rất đơn giản như cho xem những video ghi lại cảnh tai nạn. Cho xem những hình ảnh người bị thương không thể làm gì được; Khuyên răn và yêu cầu cam kết. Hoặc đưa các em vi phạm ra giữa làng để kiểm điểm giúp các em tiến bộ.
Hoặc như ở công an Ia Pết, huyện Đăk Đoa sau khi xử phạt vi phạm hành chính đối với nhóm thanh thiếu niên ở làng vi phạm giao thông bằng cách lao động công ích, bắt cuốc đất trồng rau, kiểm điểm trước làng và yêu cầu không tái phạm.
Công an tỉnh Gia Lai cũng triển khai các hoạt động đa dạng đơn cử như việc đưa cán bộ có trình độ hoặc nói thành thạo tiếng địa phương để bố trí làm công tác tuyên truyền, đồng thời cử đi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng tuyên truyền; hạn chế việc luân chuyển vị trí công tác đối với số cán bộ này.
Bên cạnh đó cần tranh thủ tiếp xúc, thăm hỏi, tặng quà, đồng thời cấp phát tài liệu tuyên truyền, phát huy vai trò của người có uy tín; vận động họ tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân trong thôn, làng của mình và tổ chức ký cam kết đến từng hộ gia đình trong việc quản lý, giáo dục con cái, người thân chấp hành pháp luật về trật tự ATGT…
Theo An Toàn Giao Thông
https://www.atgt.vn/vi-sao-tngt-lua-tuoi-thanh-thieu-nien-dong-bao-dan-toc-thieu-so-gia-tang-d481110.html