Những ngày qua, dư luận và mạng xã hội đã vô cùng xôn xao về vụ việc một đôi nam nữ bị xe taxi đâm mạnh trong đêm ở Sài Gòn. Tuy nhiên, tài xế taxi sau khi gây tai nạn chỉ xuống xem xét nạn nhân một chút rồi bỏ đi.
Tiếp đó, trong số 17 người đi xe máy và một ôtô di chuyển ngang qua khu vực tai nạn, chỉ có một người đi xe máy dừng lại giúp đỡ đôi nam nữ.
Khi được đăng tải, hình ảnh cặp trai gái nằm bất động trên vỉa hè và thái độ của tài xế taxi cùng những người đi ngang qua gây nên làn sóng tranh luận trên mạng xã hội. Nhiều người lớn tiếng chỉ trích những con người đi qua nơi xảy ra tai nạn là vô cảm, thiếu tính người... Dưới đây là tâm sự của một tài xế lái xe có kinh nghiệm 20 năm về câu chuyện kể trên.

"Là lái xe du lịch rồi chạy hợp đồng gần 20 năm, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn trên đường và chưa bao giờ nề hà việc cứu người. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là việc cứu người mang khiến tôi phải “mang vạ” không ít lần.
Đáng nhớ nhất là cách đây chục năm, tôi gặp một thanh niên say xỉn bị tai nạn xe máy. Không biết do anh ta tự gây tai nạn hay bị ai đó đâm, chỉ biết khi tôi chứng kiến thì đã thấy người này nằm bất tỉnh, mặt đầy máu me trên đường.
Không một chút chần chừ, tôi dừng lại tìm cách đưa thanh niên này vào viện cấp cứu và điện thoại báo cho người nhà anh ta. Thế nhưng, khi người nhà nạn nhân đến, họ khăng khăng cho rằng tôi là người gây ra tai nạn và lao vào tấn công khiến tôi choáng váng mặt mày. Việc hành hung một cách hết sức vô lý chỉ dừng lại khi mọi người và cả bác sĩ lao vào can ngăn và giải thích.
Điều đáng nói là câu chuyện chưa dừng lại ở đó, nạn nhân sau khi được cấp cứu đã tỉnh lại và bất ngờ kêu mất ví tiền, dây chuyền vàng! Thế là tôi lại bị tấn công lần thứ 2 cùng với khám xét toàn thân. Mặc cho tôi đã cố gắng giải thích không biết anh ta bị tai nạn ra sao, người nhà nạn nhân cũng không thèm quan tâm.
Mọi chuyện chỉ kết thúc khi họ không tìm thấy gì trên người tôi nên thả cho về. Có điều một lời xin lỗi tôi cũng không nhận được chứ đừng nói đến việc cảm ơn vì đã cứu giúp người nhà của họ.
Lần tiếp theo là khi đang lái xe lúc trời mưa, tôi phát hiện một người đi xe máy nằm bên vệ đường, vết thương ở chân chảy nhiều máu. Tôi vội vàng dừng xe lại, băng bó tạm thời vết thương, định đưa anh ta đi bệnh viện thì bất ngờ có 1 đám đông xuất hiện, khăng khăng cho rằng tôi là người gây tai nạn. Sau đó, tôi không những đưa nạn nhân đến bệnh viện mà còn mất cả ngày trời tường trình vụ việc tại cơ quan công an vì nạn nhân tỉnh lại bảo không nhớ gì.
Rất nhiều người thân bạn bè khi biết về những câu chuyện xung quanh việc cứu người của tôi đã vô cùng ái ngại, thậm chí khuyên tôi không nên tiếp tục để tránh "rước họa vào thân".
Có một sự thật mà bản thân tôi và rất nhiều người phải thừa nhận đó là chính nỗi sợ liên luỵ, sợ "làm phúc phải tội" đã khiến nhiều người phải chùn bước khi muốn cứu người bị nạn. Những câu chuyện mà tôi kể trên chính là ví dụ điển hình.
Ngoài ra một nỗi sợ hãi khác mà rất nhiều người cũng mắc phải đó là: Sợ hãi vì thiếu hiểu biết. Có rất nhiều người ở Việt Nam chưa từng học qua lớp sơ cấp cứu, thậm chí có học qua thì cũng không nhớ được để mà áp dụng. Nếu bạn ra tay, người bị nạn có thể được cứu sống, cũng có thể… tàn phế cả đời. Vì vậy mà nhiều người luôn có suy nghĩ rằng có bao nhiêu người chứng kiến vụ tai nạn cơ mà, nếu họ không giúp sẽ có người khác làm thôi.
Thế nhưng bản thân tôi luôn quan niệm “Cứu một người bằng xây bảy toà tháp”, nên kể cả có gặp phải oan ức thì tôi vẫn cố gắng hết sức để tâm trí mình được thanh thản. Làm việc tốt cho đời, cho người chứ không phải cầu được cảm ơn, đền đáp. Giúp nhiều người, có người cư xử không phải nhưng cũng có những gia đình trân trọng và ghi nhớ việc tốt của mình.
Hơn nữa chuyện tương lai cũng chẳng thể nói trước được, nếu sau này không may gặp phải vận đen, tai nạn gì cũng sẽ được phù hộ."
Nguồn: Đời sống plus